Trước hết, thành công ở đây là ý nói tạo ra được thành quả theo mong muốn của bạn, không liên quan gì đến khái niệm thành công do xã hội đặt ra. Thành công với người này có thể là tước vị cao ngất ngưỡng, với người khác có thể là tiền của đầy kho, nhưng với một số người có thể chỉ đơn giản là cuộc sống bình an & hạnh phúc. Cho nên, không có khái niệm thành công chung cho tất cả mọi người. Bạn muốn gì trong đời, mục đích của bạn ở đâu, điểm đến của bạn chỗ nào thì đó chính là thành công của bạn khi chạm vào. Vì vậy, trước khi làm gì, bạn nên rất rõ ràng thành công nó nhìn ra sao với chính bản thân mình, đừng vay mượn khái niệm thành công của ai, đừng dòm ngó so đo nhà hàng xóm, cũng đừng chạy theo công thức thành công của bất kỳ ai. Cuộc đời của mình, chỉ có mình mới biết bản thân muốn gì, và cũng chỉ có mình mới biết thành công đối với bản thân là gì. Nếu điều này quan trọng đối với một cuộc đời như thế mà bạn còn không quan tâm tìm kiếm thì sống trên đời rồi có ý nghĩa gì đâu?
Cho nên, trước khi bàn chuyện làm gì để thành công, điều quan trọng hơn hết là biết định nghĩa của chữ thành công trong tự điển cá nhân của mình. Nếu bạn chưa biết, hãy đi tìm cho đến khi biết rõ mới thôi. Nếu bạn không sure, hãy suy nghĩ và phản tư về nó cho đến khi sure mới thôi. Nhưng một khi bạn đã rõ ràng rồi thì hãy vững vàng và kiên định vượt qua hết mọi gập ghềnh để tiến về điểm đến thành công ấy. Đó là khi chùng ta bàn nhau về sự tập trung. Người thành công luôn tập trung, vì họ hiểu thứ gì là quan trọng, và cam kết 1000% tâm sức, năng lượng của mình vào đó. Tập trung là xuất sắc rồi, nhưng tập trung vào việc gì mới được?
Trên đời này có rất nhiều thứ xảy ra xung quanh ta, có những thứ nằm trong tầm kiểm soát của ta, nhưng cũng có rất nhiều thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Giờ bạn nói đi, vậy thì bạn nghĩ mình cần tập trung vào thứ gì?
Trong tầm kiểm soát
Nếu bảo bạn list ra hết tất cả những gì bạn có thể kiểm soát thì bạn sẽ viết được bao nhiêu thứ? 10? 20? 100? Mỗi người chúng ta có thể ghi nhận rất khác nhau về những gì mình có thể kiểm soát, tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, list kiểu gì thì cuối cùng cũng chỉ có thể vòng quanh những thứ mình nghĩ, tự làm, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm, ví dụ như làm đúng giờ, ngủ dậy sớm, tập thể dục thường xuyên, học mỗi ngày, đọc sách mỗi tối, ăn cơm đúng bữa, vv. Cứ thứ gì một mình hoàn toàn có thể chủ động thực hiện và hoàn thành được thì nó nằm trong tầm kiểm soát của mình. Còn thứ gì phải phụ thuộc vào lựa chọn, quyết định, hành động của người khác mới thành thì mình đâu có cách nào chủ động 100%, nên coi như nằm ngoài tầm kiểm soát.
Giờ bạn nghĩ đi, ví dụ như chuyện người ta chỉ trích hay nói xấu mình thì mình có kiểm soát được không? Được chết liền. Cái mồm là mồm nhà người ta. Cái não là não người ta. Cảm xúc vô thường lúc này khi nọ là cảm xúc của người ta. Bạn nghĩ mình kiểm soát được ư? Đừng giỡn chứ! Người ta vui buồn, lên cơn bất chợt rồi ném đá theo cảm xúc bất chợt thì làm sao mình đỡ nổi? Cho nên, tốt nhất là mình bỏ qua, khùng điên lên cơn gì kệ họ đi, thứ đó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Có chăng, là mình tập trung vào việc kiểm soát cảm xúc và phản ứng của chính mình đối với hành vi của người ta. Người ta lên cơn rồi mình có lên cơn theo không? Người ta độc miệng dại mồm rồi mình có dại mồm độc miệng lại không? Hay mình học cách bình tĩnh, coi như pha, bỏ qua vì nó quá tào lao, để dành thời gian tập trung vào những điều quan trọng hơn cho thành công của chính mình? Đời mình là của mình, ai biết gì đâu mà nói. Còn thứ người ta nói, có khi nó chỉ là hành vi thể hiện những nút thắt quá khứ của chính họ mà thôi, liên quan gì tới mình đâu.
Thành ra, thôi cứ chuyện gì cần làm để đạt được điều mình muốn, nằm trong tầm kiểm soát của mình thì mình chuyên tâm vào đó mà làm, bỏ ngoài tai những thứ chẳng liên quan. Nếu cứ để ý và bị tác động bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, rồi lậm vào đó mà co kéo cảm xúc thì xong phim. Loay hoay trong đó chẳng làm gì được vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, lại chẳng thể thoát ra vì chìm sâu vào vũng lầy cảm xúc. Cứ như vậy, chuyện nhà mình làm không xong, chuyện nhà người ta không liên quan. Mình biến thành kẻ vô dụng, loanh quanh trong cái vòng lẩn quẩn do chính mình tạo ra cho bản thân và cuộc sống của chính mình. Sao phải làm khó bản thân dữ vậy? Thôi ha. Từ giờ chỉ tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, nằm trong phạm vi kiểm soát của bản thân, tập trung vào những thứ bản thân có thể làm để đạt được định nghĩa thành công mà bạn đặt ra cho bản thân. Vậy thôi là vĩ đại lắm rồi. Đừng bận tâm cho lắm mà toàn là chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài tầm kiểm soát
Con người sống trong thế giới này, gọi là thế giới bên ngoài, vì thiệt tình là nó ở bên ngoài cái thân mình, và hầu như vận hành theo nguyên tắc của riêng nó, chẳng ai tác động vào cho được. Trời có mưa có nắng, thế giới có chiến tranh hay hoà bình, lạm phát có tăng hay giảm, lãi suất ngân hàng lên hay xuống, kinh tế toàn cầu khủng hoảng hay không, sếp bạn vui hay buồn, đường ổ gà nhiều hay ít, vv, bạn có làm gì cũng chẳng tác động vào cho được. Vậy, gọi là nằm ngoài tầm kiểm soát.
Đương nhiên, có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát mà bạn hoàn toàn không có chút ảnh hưởng hay tác động gì cho được, ví dụ như chiến tranh, thời tiết, tình hình kinh tế xã hội, ý kiến ý cò của người đời, vv. Vậy thì đọc chơi cho biết thôi chứ đừng phí thời gian ngụp lặn trong đó làm gì, phí thời gian vô ích. Bao nhiêu thời gian và năng lượng đổ vào đó, dù làm gì cũng chẳng mang lại bất kỳ kết quả hay ảnh hưởng chi chi đến bản thân thì làm để làm gì, trừ phi thứ bạn làm có thể tạo ra một ảnh hưởng tích cực nào đó đến cục diện hay kết quả. Khi một thứ gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng bạn biết là mình có thể tác động hay ảnh hưởng tích cực đến nó, ví dụ như giúp ai đó nhìn rõ vấn đề hơn, bình tĩnh hơn, vui vẻ hơn, vv, thì bạn có thể dành thời gian để thực hiện vì tác đồng của nó là tích cực.
Có điều, chuyện bạn làm ảnh hưởng tới đâu, có mang lại kết quả như bạn tưởng hay không thì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, và bạn cũng đừng nên trông chờ vào đó để rồi thất vọng khi nó không xảy ra theo ý muốn của mình. Cuối cùng, nó vẫn là nằm ngoài tầm kiểm soát cơ mà, chỉ là nếu có thể tạo tác động tích cực thì mình làm, còn lại thì để yên cho vũ trụ sắp xếp và đặt để. Vậy thôi, nhẹ nhàng vui vẻ. Còn mình thì quay về tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát để hoàn thành mục tiêu của cuộc đời mình.
Có nhiều thứ, ngay cà là chuyện đời mình mà bản thân cũng không kiểm soát được nữa là, ví dụ như quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, nhìn nhận và phản ứng của người khác về mình, vv. Không kiểm soát được thì mình chấp nhận hiện thực nó là như thế, vui vẻ chấp nhận, thứ gì mình có thể làm trong hiện tại để ảnh hưởng tích cực đến nó thì làm, không thì thôi. Ví dụ nút thắt quá khứ mình có thể chủ động quay về để gỡ. Lo lắng tương lai mình có thể chuẩn bị phát triển bản thân từ hiện tại để sau này hành trình có thể mượt hơn. Sống chân thực là mình, kiên định với giá trị cốt lõi của bản thân để thời gian chứng minh cho người đời mình phẩm chất thế nào. Đường ta ta cứ thế mà đi. Còn lại, ai nghĩ gì nói gì kệ người ta đi, hơi đâu mà quan tâm và phản ứng.
Tóm lại, chuyện ngoài tầm kiểm soát thì không quan tâm, biết cho cập nhật thế thôi, đặc biệt là những thứ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của mình. Còn thứ gì nằm ngoài tầm kiểm soát mà có thể tác đồng tích cực được thì làm, không trông mong gì, làm vì cái tâm, vì xuất phát từ giá trị bản thân thôi. Còn lại, đừng phí thời gian vô ích vào những gì ngoài tầm kiểm soát.
Nếu hiểu được đạo lý này thì bạn đã nửa đường đi đến thành công. Người đời dễ bị sao nhãng bởi thế giới bên ngoài, mang hết chuyện ngoài tầm kiểm soát vào nhà, bới tung lên rồi loay hoay trong đó. Người hiểu chuyện thì dẹp hết qua một bên, tập trung vào những gì bản thân có thể kiểm soát để hoàn thành mục tiêu của chính mình, và thế là họ thành công. Vậy thôi đó, không có gì ghê gớm cả.
Comments