Ngày xưa, bầu trời là khoảng không mơ mộng ở phía trước. Cho đến khi loài người chạm vào thế kỷ lật nhào này….
Khi phía trước là màn sương mù dày đặc của những điều bất định, khi nền tảng kinh tế thay đổi, khi mô hình kinh doanh thay đổi, khi khái niệm về tài sản và quyền sở hữu thay đổi, khi công việc và mô tả công việc thay đổi, người ta không còn nhìn rõ phía trước sẽ là gì. Kỹ năng duy nhất chúng ta còn là kỹ năng dò đường, vừa đi vừa dò, vừa đi vừa phát minh khám phá, vừa đi vừa kiến tạo, vừa đi vừa làm vừa học vừa thử nghiệm những thứ chưa tồn tại. Và con đường nằm ở dưới chân.
Nhưng, khi không nhìn rõ, đa số sẽ cảm thấy không an toàn, sợ hãi, hoang mang vô định, và vì thế sẽ chọn đứng chết trân như Từ Hải, cố nhìn dù biết rằng có cố cũng chẳng thấy gì. Có người sẽ suy nghĩ và giả định ra vô số tình huống khi chọn bước vào. Nhưng giả định sẽ mãi mãi là giả định, và chẳng ai thật sự biết mọi thứ sẽ ra sao khi dụng binh trên giấy. Hơn nữa, não người có khuynh hướng nhận diện rủi ro nhanh hơn cơ hội, nên giả định đương nhiên sẽ nhuốm toàn những đốm đen mông lung, hoảng hốt, bất an. Vậy, nghĩa là chưa làm gì đã tự hù bản thân một trận rồi lăn ra tái mét vì khiếp sợ. Có người chọn giải pháp an toàn hơn, lui lại đứng im chờ, vì ít ra tại nơi bạn đứng chờ, mọi thứ vẫn còn bày ra trước mắt. Chỉ có một điều duy nhất mọi người không biết, là thế giới đã di dời rất xa sau màn sương, và nơi ta vẫn cứ đứng chờ kia, giờ đã là một đoạn trong bảo tàng cổ trấn. Xa xa phía trước và không còn nhìn rõ nữa, là hiện tại của tương lai.
Đường nào đi đến tương lai?
Câu trả lời là không ai biết. Chỉ khi bàn chân đặt xuống, con đường mới hiện ra. Thế kỷ này đòi hỏi con người phải học cách chấp nhận sự bất định, làm bạn với mông lung, tin vào bản thân mình và chọn dấn thân dù không biết và có phần hồi hộp. Không có con đường đến tương lai. Đường, là do mỗi khách bộ hành kiến tạo nên. Ta đi đến đâu, đường hiện ra đến đó. Ta hiểu về tương lai đến đâu, tương lai hiện ra đến đó. Ta dấn thân đến đâu, thế giới được kiến tạo nên đến đó. Đường của thế kỷ 21 là do mỗi người tự thiết kế và thử nghiệm. Không có bài văn mẫu cho bạn điền vào. Càng không có người đến trước vẽ đường cho kẻ đi sau, vì cả đám đều đang đi, chẳng có ai đến trước. Càng không có kiểu đặt đâu ngồi đó, chỉ đâu làm đó nữa, vì có ai biết tương lai nó ra sao đâu mà đặt để con cháu của mình. Thế hệ nào, xuất phát điểm cũng như nhau, từ số mo tròn trịa.
Làm gì để kiến tạo con đường tương lai?
Khi tâm thế đã là chấp nhận dấn thân vào chốn bất định kia, ta bắt đầu lên kế hoạch. Có 3 chuyện cần làm, làm ngay, làm miệt mài để chuẩn bị cho bước dấn thân đầu tiên:
Trở thành nhà tương lai học: Muốn biết hiện tại cần thay đổi gì, thay đổi ra sao và bắt đầu từ đâu, cách nhanh nhất và hiệu quả nhất là chạy vào tương lương xem ở đó có gì. Bạn sẽ hoang mang, đang đi vào tương lai chưa biết đi đâu thì làm sao chạy vào tương lai cho được? À, khi ta tìm hiểu những xu hướng mới về công nghệ, mô hình tương lai đang được thử nghiệm và mang tính định hình tương lai, đó chính là định hướng mới của tương lai. Càng kết nối, đọc, học, cập nhật về xu hướng tương lai, càng theo dõi những phát minh khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là những phát minh có ứng dụng ảnh hưởng đến ngành nghề của mình, bạn sẽ càng hiểu tương lai hơn. Nhờ sự hiểu đó, bạn biết cần thay đổi cách tiếp cận trong hiện tại thế nào, cần cập nhật kiến thức và kỹ năng mới ra sao, cần thiết kế lại vai trò của bản thân để giữ cho mình liên quan trong tổ chức tương lai bằng cách nào, và hành động.
Trở thành nhà thiết kế: Khi vấn đề của tương lai bất định nó bất định, thì làm sao biết nó là gì để mà giải quyết? Vậy thì cần tuyển người tìm người có qualification - bằng cấp kiểu gì để giải quyết? Và cần người có kinh nghiệm hay không? Kinh nghiệm gì? Mà kinh nghiệm quá khứ có liên quan gì tới tương lai? Vậy thì kinh nghiệm quá khứ là điểm cộng hay là rủi ro ngăn cản người ta nghĩ khác đi, làm khác đi, vận hành khác đi? Không biết! Tương lai là một tờ giấy trắng, và người có thể vẽ hình hài của nó phải là một nhà thiết kế. Mà muốn trở thành nhà thiết kế thì cần có tư duy thiết kế - design thinking. Gọi là tư duy thiết kế nhưng đây là phương pháp và công cụ giúp người ta xác định vấn đề, tạo ra ý tưởng, lựa chọn ý tưởng để thử nghiệm và hiệu chỉnh để triển khai. Cứ như thế mà làm tới làm lui làm hoài không ngừng nghỉ, với tâm thế beginner - kẻ bắt đầu, với bộ não tươi mới và trái tim rộng mở đi tìm những điều mới mẻ, hay ho, mang tính đột phá. Tâm thế nhà thiết kế này sẽ giúp cho người ta hết sợ sự bất định, ngược lại trở nên hứng thú với sự bất định, vì không biết nên đi tìm kiếm, nghiên cứu, phát minh, và hạnh phúc trên hành trình kiến tạo.
Trở thành nhà phát minh: Nhà thiết kế thì nghĩ ra phương án sao cho nó phù hợp nhất với nhu cầu và mong muốn của đối tượng sử dụng. Nhà phát minh thì hứng thú đâm đầu vào nghiên cứu tạo ra giải pháp hoàn chỉnh và đột phá nhất. Đã gọi là phát minh nghĩa là nó mới, chưa ai làm, chưa có tiền lệ hay lịch sử. Vậy, nghĩa là đương nhiên không có bốn cũ soạn lại, trước giờ sao giờ cứ vậy, chưa hư hỏng thì đừng sửa. Tâm thế của nhà phát minh là có thể sử dụng kinh nghiệm và trải nghiệm quá khứ chỉ để làm chất liệu, nhưng hoàn toàn không bị đóng khung trong đó, hoàn toàn không bị định hình bởi nó, càng không ngồi quét bụi và bảo trì cái máy cũ vì nó chưa hư. Nó có thể không hư, nhưng mà nó lỗi thời. Ôm hoài thì làm sao rảnh mà thử đồ chơi mới? Nhà phát minh là người có tư duy mở, tiếp nhận cái mới, tìm kiếm cái mới, thích thú với cái mới, và vui banh nóc trên hành trình phát minh cái mới.
Vậy đó. Con đường là không có con đường nào. Con đường chỉ hiện ra dưới mỗi bước chân đi. Với tâm thế ba “nhà” - nhà tương lai học, nhà thiết kế, nhà phát minh, cộng với sự dấn thân can đảm từng bước từng bước một, ta vững vàng và tự tin bước đi. Một ngày nào đó khi dừng chân nghỉ ngơi và nhìn lại thì Wow! Phía sau đã là một bầu trời. Và bầu trời đó là do ta kiến tạo.
Comments