top of page

Đi làm có vui không?



Nếu câu trả lời là vui, là can’t wait to get back to work - không muốn chờ thêm một giây nào nữa vì chỉ muốn quay lại chỗ làm thì có lẽ bạn đã tìm đúng công việc mà mình yêu thích, đam mê, và có khi xếp hàng thẳng tắp với giá trị và mục đích sống của mình. Xin chúc mừng!


Nhưng có lẽ 80% người đang đi làm không vui chút nào.


Không vui là phải, vì bạn phân chia ranh giới rất rõ ràng giữa làm việc và have fun - vui vẻ. Làm là chuyện bắt buộc vì cơm áo gạo tiền, vì phải nuôi sống bản thân, gia đình, vì trách nhiệm, vì phải kiếm tiền để mua vui. Công việc trở thành sinh kế, và bạn đóng khung nó trong ô “kiếm càng nhiều càng tốt, làm càng ít càng tốt”. Đâu có ai ngu mà lao ra làm cho cố khi nó chẳng phải là thứ ta muốn, thứ ta yêu thích, đam mê. Nếu bạn đang ở trong trạng thái này và hài lòng với nó, it’s OK. Nhưng chắc sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản, ngộp thở, mệt mỏi và uể oải kéo mình ra khỏi giường vì phải đi làm. Nhiều lần nhu thế, công việc trở thảnh kẻ thủ, chỗ làm trở thành nhà tù, và đi làm kiếm tiền trở thành khổ sai. Bạn chịu đựng, chịu đựng, cho đến khi gục ngã….


Có người ngược lại, được làm công việc mình đam mê, yêu thích, nhưng lỡ sa vào chỗ làm không hề yêu thích. Sếp trù dập, đồng nghiệp hơn thua, môi trường tiêu cực, văn hoá giẫm đạp, vv. Bạn vì vui công việc mà cắn răng chịu đựng, thôi kệ cho qua để được làm thứ mình muốn, chớ thời này tìm được công việc yêu thích đâu phải dễ. Bạn nửa cố nửa buông như thế cho đến khi đầu óc căng như dây đàn, trái tim ám khói vì phải liên tục đối diện với chính trị và sống còn nơi công sở. Lâu ngày dài tháng, tình yêu cho công việc rồi xói mòn và sứt mẻ. Nơi bắt đầu của niềm vui biến thành từng tầng địa ngục, và bạn gục ngã….


Có người lơ mơ, tới thời đi làm thì làm thôi, chẳng biết phải vui hay buồn, con sóng vỗ tới đâu lục bình trôi tới đó. Cuộc đời là dòng trôi, kệ, sao cũng được, làm gì cũng được, miễn sao mình tồn tại như bao nhiêu người khác, theo sự sắp đặt của thế giới bên ngoài. Số phận mà, kệ! Cuộc đời bình thản trôi. Công việc bình thản qua. Kêu gì làm đó không cần phải nghĩ. Cho làm gì cũng được, trả lương sao cũng được, biết tới đâu làm tới đó không cần học hỏi, cố gắng, vươn lên gì cả. Cho làm thì tàn tàn làm, cho nghỉ thì lút cút đi tìm việc khác. Nếu bạn đang trong trạng thái đó và hài lòng với nó, it’s ok, với điều kiện bạn sống một mình, hoặc người xung quanh chấp nhận sự tồn tại ngơ ngác đó của bạn. Bằng không, chính họ sẽ gây áp lực lên tư duy trôi nổi đó của bạn, áp lực lớn dần lên theo ngày tháng cho đến khi bạn gục ngã….


Có khi, bạn biết rất rõ mình yêu thích gì, nhưng không dám đánh đổi chi phí cơ hội với công việc mình ngán tới cổ nhưng vẫn phải gồng mình chịu đựng vì sự an toàn, thoải mái của đồng lương. Tỷ lệ này khá cao, phổ biến trong dàn quản lý cấp trung và cấp cao, vì tiền. Bạn dùng tiền mua phút giây thoải mái bằng kỳ nghỉ sang trọng bên bờ biển hay nhà xe, vật chất xa hoa. Bạn liên tục ám thị mình “It’s OK. Thôi ráng chịu đựng để giữ tiêu chuẩn sống này cho bản thân, gia đỉnh, và cả mày mặt với xã hội. Họ quánh giá mình, nên mình phải cố show hàng thành công và hạnh phúc để giữ lấy vị thế cái gương. Bên ngoài bạn nở hoa, bên trong bạn héo úa mục ruỗng. Khi chịu hết nổi, bạn trốn vào góc tối một mình khóc tức tưởi, xong lại ngẩng cao đầu ngạo nghễ bước ra. Bản lĩnh “không thành” chống giặc như Gia Cát Lượng của bạn phải đến level tuyệt đỉnh. Bạn gục ngã, trong chiếc bao bì hoành tráng và cao ngạo….

Mà tại sao phải vậy? 1/3 cuộc đời giao cho công việc, sao phải chịu đựng nó như một ngục tù? Why not - tại sao không phải là sung sướng, vui vẻ, đã đời làm thứ mình yêu thích, đam mê? Nếu có thể bắt đầu bằng câu hỏi này, có khi đời bạn rồi sẽ khác.


Không tự hỏi là một chuyện, có người hỏi nhưng rồi cũng tự tìm 1001 lý do để biện minh cho cái sự hy sinh của bản thân. Tại em phải lo kiếm sống, tại em còn trách nhiệm gia đình, tại hoàn cảnh, tại số em không may, tại tại tại tại…. Đời này, nếu tìm lý do thì một biển, với tay là hốt được cả vốc. Cho nên, loài người cũng phân ra thành hai loại: cam chịu và không cam chịu. Nhưng đã cam chịu thì chớ có phàn nàn, kêu gào xin ai đó ghé tai mà rủ lòng thương. Tâm thế nào thế cảnh đó. Cam chịu thì cúi đầu, ngậm miệng, và take life as it is - đối diện với cuộc sống như cách nó đang bày ra trước mắt. Vậy thôi. Còn không cam chịu thì phải lên kế hoạch thay đổi nó. Hành trình thay đổi của mỗi người sẽ gập ghềnh dài ngắn khác nhau. Nhưng có sự chuẩn bị và kế hoạch hàng động từng bước một thì hành trình vạn dặm bao xa rồi cũng đến. Đoạn thứ nhất là đoạn tích luỹ nguồn lực chống rủi ro khi thay đổi, đảm bảo cho bản thân và gia đình sự an toàn trong thời gian thử nghiệm thay đổi. Đoạn thứ 2 là đoạn bình thường hoá, vừa cố gắng làm việc mình yêu thích vừa cố giữ cho tiêu chuẩn sống không bị phá vỡ. Đoạn cuối cùng là thăng hoa, khi bạn vừa được làm việc mình yêu thích vừa không phải lo về thu nhập.


Trên đời, nothing is impossible - không gì là không thể, luôn có cách này kiểu kia, nhưng nó chỉ hiện ra cho những ai mang tâm thế chủ động để được sống cuộc đời mình mong muốn.

Comments


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page