top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

ĐÃ SỐNG, PHẢI SỐNG SAO CHO ĐÃ ĐỜI



Từng có nhiều nhận định đúng về thực trạng và đưa ra các lời khuyên sâu sắc cho các bạn trẻ Việt, Nguyễn Phi Vân đã dần trở thành thần tượng của không ít người. Theo chị, giới trẻ Việt còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục và cuộc đời đâu chỉ có giải trí hay yêu đương lãng mạn hãy luôn tìm hiểu bản thân mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau.


Con đường trở thành chuyên gia quốc tế là niềm mơ ước của bao bạn trẻ, chị đã bắt đầu như thế nào?

Tôi nghĩ có 3 bước đi mà tôi đã dấn thân để có được như ngày hôm nay. Bước thứ nhất là xác định thực trạng. Tôi tự mình tìm hiểu thế giới để biết bản thân đang ở đâu, chấp nhận mình còn rất kém cách xa thế giới cỡ nào, và phá vỡ mọi sự hoang tưởng về cái tôi ngạo mạn của bản thân.

Sau khi hiểu xác định thực trạng xong, bước thứ 2 của tôi là lên kế hoạch phát triển bản thân: Thiếu gì học đó, thiếu gì bổ sung đó và không bao giờ đổ thừa cho ai hay hoàn cảnh nào về sự ngu dốt của mình. Cuối cùng là bước chủ động dấn thân, không ai trên đời này tự dưng mang một cơ hội thật hay ho xinh đẹp dâng đến miệng cho ai cả.


Theo chị giới trẻ có nhất thiết phải xác định bằng được đam mê của mình không hay cứ cố gắng làm thật tốt công việc mình lựa chọn?

Có 3 loại quan hệ với đam mê. Có người quá nhiều đam mê không biết cuối cùng đam mê chính là gì. Đối với những người này chọn cái đang nằm trên top thử nghiệm trước nếu là đam mê thật sự thì bạn sẽ quên luôn mấy thứ còn lại.

Loại thứ 2 là không đam mê gì cả. Nếu bạn nằm trong nhóm này thì bạn hãy cố gắng làm thật tốt những gì mình đang làm cho đến khi việc đó thành công. Làm xong mà vẫn chẳng thấy đam mê thì đó không phải là đam mê và bạn nên thay đổi môi trường để đi tìm kiếm một cơ hội khác.

Có điều, đừng làm nửa vời, giữa chừng, một hai tháng rồi bảo là mình không có đam mê. Nếu bạn không thuộc cả 2 nhóm trên thì bạn đang thuộc về nhóm thứ 3, nhóm nghi ngờ. Bạn có vẻ đã tìm ra đam mê của mình, nhưng vì lý do gì đó rất không tự tin, không quyết tâm, hoang mang không biết mình có còn đam mê nào mạnh hơn thế nữa.


Hiện nay giới trẻ Việt được nhận xét là khá thụ động trong công việc thực tế, chị nghĩ sao về điều này? Thời thế tạo con người. Các thế hệ trước đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nên họ rất chủ động vì sự sống còn đó là đức tính tốt. Thế hệ trẻ đi sau được nuôi dạy trong môi trường gia đình, xã hội rất khác, đầy đủ hơn nên đương nhiên sẽ không tự động học được cách chủ động.

Đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ là các bạn hãy thử sức và tìm hiểu mình ở nhiều lĩnh vực đi. Cuộc đời đâu chỉ có giải trí và yêu đương lãng mạn. Thế giới đâu chỉ có những nhân vật ướt át trong phim. Đã sống phải sống sao cho đã đời. Chơi cho tới nhưng học hành, làm việc cũng cho thiệt tới.


Nhiều người trẻ chọn cách vừa học, vừa làm để tiếp xúc thực tế và cọ xát bản thân, tuy vậy không phải ai cũng cân bằng được về cả thời gian và tư tưởng, theo chị có cách nào giải quyết khó khăn này không?

Khi gặp ai phàn nàn về quỹ thời gian, tôi hay hỏi bạn nghĩ bạn đang làm mấy phần trăm khối lượng công việc tôi đang làm. Tất cả đều do cách ta quản trị bản thân khoa học và hiệu quả. Trong đó, kỹ năng tổ chức, lên kế hoạch và triển khai theo kế hoạch là quan trọng nhất.

Tôi quý trọng thời gian lắm nên tại mỗi thời đoạn của cuộc sống tôi luôn có mục tiêu rõ ràng và phân quỹ thời gian nhiều nhất cho mục tiêu đó. Còn lại, thứ gì không cần thiết sẽ bỏ qua. Thứ gì là phụ thì tìm thời gian trống để đặt vào. Luôn có mục tiêu chính phụ trong tất cả những giai đoạn cuộc sống của mình và thời gian cũng được phân bổ khác nhau như thế.


Khi trò chuyện với các bạn trẻ, một tâm lý khá quen thuộc ở họ là cảm giác bị chênh vênh trong cuộc sống, đặc biệt là khoảng thời gian vừa tốt nghiệp đại học. Trong đó, vấn đề mà nhiều bạn gặp phải lựa chọn đam mê hay thu nhập. Lời khuyên của chị cho vấn đề này là gì?

Xây dựng tương lai để được là mình, được là mình là điều ai cũng muốn. Do đó, trước hết bạn nên rất rõ tương lai bạn hướng đến là gì. Còn hành trình chạm vào tương lai, có rất nhiều cách khác nhau, tùy theo nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu không bị áp lực tài chính, tôi sẽ chọn luôn hy sinh tiền tài vật chất trước mắt để đạt được mục đích tương lai. Vì khi ta đã giỏi trong bất kỳ thứ gì ta chọn thì tiền bạc vật chất tự dưng sẽ đến.

Tuy nhiên, có rất nhiều thời đoạn hoặc hoàn cảnh mà tại đó bạn không được phép chọn tương lai, ví dụ như khi gia đình cần tài chính để tồn tại. Ở đó, ta có thể tạm gác tương lai lại, giải quyết cho xong sự cấp thiết tài chính trong thời đoạn đó, rồi khi hoàn cảnh cho phép ta lại quay về kiến tạo tương lai. Chỉ có điều, đừng cho phép tiền bạc vật chất bỏ tù mình, trói buộc mình không dám trở về với ước mơ, mong muốn, đam mê đã chọn.


Đam mê dường như là từ chúng ta nhắc rất nhiều nhưng kể cả những người đi làm lâu năm vẫn không tìm được, theo chị nó có phải là vật chắn ngang trong sự nghiệp mỗi người nếu không thể tìm ra đúng thứ mình yêu thích và theo đuổi cả đời?

Đừng bao giờ cho phép bản thân vin vào đam mê để làm việc dở. Người có trách nhiệm làm gì cũng làm tốt nhất, đam mê hay không đam mê. Làm tốt nhất có thể đi, rồi nếu làm thành công vẫn không thích làm tiếp thì bạn đủ tư cách để nói rằng bạn không đam mê. Đừng lơ mơ, bay bổng, làm không được, mơ chẳng tới và hoang mang không biết tiếp theo mình sẽ làm gì.

Tiếp theo, là làm thật tốt việc mình đang có. Khi đã cố gắng và làm tốt nhất và tốt hơn có thể, bạn có thể nhờ sếp, nhờ mentor của mình nhận xét thêm. Nói qua nói lại, cũng chỉ khuyên các bạn một điều, muốn thành công trong đời thì việc gì đến tay mình cũng phải làm xuất sắc. Việc gì chưa tới tay mình thì xông vào nhận làm và làm cho thật tốt. Cứ như vậy đam mê sẽ tự nó hiện ra chứ chẳng phải đi tìm.




172 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page