Phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ ngày khai mạc Triển lãm nhượng quyền Việt Nam 2024
1. Chia sẻ về thị trường nhượng quyền hiện nay? Cơ hội để Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại như thế nào?
Sau Covid, thị trường nhượng quyền thế giới bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Technavio, dự đoán tổng giá trị thị trường nhượng quyền toàn cầu tăng từ 2.9 nghìn tỷ USD năm 2023 lên 4.3 nghìn tỷ USD đến năm 2027. Đây là tỷ lệ tăng đột biến hơn 48% chỉ trong vòng 4 năm, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm ở mức 9.58%. Trong khi đó, tính về mức độ tăng trưởng trong vòng 7 năm trước đó 2017 đến 2023, tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 20.8%. Nguyên nhân chính giúp cho ngành phát triển mạnh mẽ là sau Covid, các kênh đầu tư rủi ro cao không còn phù hợp. Nhà đầu tư thận trọng hơn, mở rộng kênh đầu tư mới và cũng hiểu hơn về sức mạnh phát triển bền vững của thương hiệu. Do đó, nguồn đầu tư từ bất động sản, tiền ảo, chứng khoán, trái phiếu được chia sẻ sang cho kênh đầu tư nhượng quyền, được xem là kênh có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc sa thải lao động hàng loạt do nhu cầu tái cấu trúc của các tậop đoàn lớn sau Covid cũng tạo ra một làn sóng lao động chuyên nghiệp không tìm được việc làm và vì vậy chuyển hướng sang nhượng quyền để tự vận hành việc kinh doanh của riêng mình, biến đó thành sinh kế lâu dài hoặc bổ trợ trong khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng về việc làm toàn cầu. Đương nhiên trong diễn biến chung đó của ngành trên toàn cầu, thị trường nhượng quyền tại tất cả các quốc gia đều phát triển sôi nổi, đặc biệt là thị trường các nước đang phát triển với tỷ lệ tăng trưởng GDP tốt như Việt Nam.
Bên cạnh các thị trường nhượng quyền mạnh và truyền thống như Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Á thì các thương hiệu trong khu vực Đông Nam Á cũng vì vậy đẩy mạnh việc phát triển nhượng quyền vào Việt Nam. Năm 2024 là năm chứng kiến nhiều hoạt động xúc tiến tìm nhà đầu tư nhượng quyền tại Việt Nam từ các thị trường Nhật, Hàn quốc, Đài loan, Trung quốc, Malaysia và Singapore.
Việt Nam, với thị trường đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về sân số chỉ sau Indonesia và Philippines đương nhiên trở thành thị trường mục tiêu của tất cả các thương hiệu nhượng quyền quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu châu Á.
2. Và ngược lại, nhượng quyền giúp DN Việt đi ra nước ngoài ra sao? (Có số liệu thông qua Franchise, bao nhiêu DN Việt xuất ngoại thành công?)
Nhượng quyền là một trong những hình thức xuất khẩu mô hình và thương hiệu thành công nhất trên thế giới, đặc biệt là cách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả nhất, được nhiều chính phủ trên thế giới quan tâm vì tỷ lệ đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia, tại nhiều quốc gia từ 3 đến 12%. Theo báo cáo của Tổ chức nhượng quyền thế giới WFC, một số quốc gia Châu Á Thái Bình dương hiện có ngành nhượng quyền đóng góp cao nhất vào GDP quốc gia gồm Úc, New Zealand, Hàn quốc, Philippines, Nhật, Indonesia, Malaysia, và Ấn độ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành nhượng quyền đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia quan tâm xây dựng kinh tế tri thức, vì nhượng quyền là hình thức xuất khẩu trí tuệ với giá trị cao nhất. Nhượng quyền & cấp phép (licensing) cũng là hình thức được các doanh nghiệp công nghệ sử dụng nhiều nhất để tăng tốc phát triển nhanh ra thị trường toàn cầu. Do đó, để phát triển kinh tế sáng tạo, ngành nhượng quyền và cấp phép chính là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn và nguồn lực.
Tuy nhiên, nhượng quyền và cấp phép là ngành còn rất mới tại Việt Nam. Các quốc gia có ngành phát triển trong khu vực châu Á đã đi trước Việt Nam 20-30 năm và vì vậy đã tạo ra nhiều thương hiệu và mô hình chuẩn để xuất khẩu sang Việt Nam. Là một thị trường còn non xanh, Việt Nam hiện nay vẫn còn đang học hỏi và tiếp nhận để có thể ứng dụng mô hình vào việc phát triển mô hình và thương hiệu nội địa. Vì vậy, số lượng thương hiệu Việt Nam thật sự đã nhượng quyền theo hình thức nhượng quyền độc quyền quốc gia ra quốc tế còn đếm trên đầu ngón tay và gần như chưa có thương hiệu nào nhượng quyền quốc tế đủ lâu để có thể được xem là thành công. Tất cả chỉ là sự khởi đầu. Do đó, dư địa thị trường còn rất lớn và là cơ hội cho tất cả các thương hiệu Việt Nam đang mang trên mình giấc mơ quốc tế hoá. Không chỉ là cách tốt nhất để tăng tốc quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhượng quyền chính là kênh phát triển doanh thu và giá trị thương hiệu cho tất cả các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam, đặc biệt trong ngành sản xuất, nông nghiệp, và bán lẻ.
3. Những thế mạnh cũng như những điểm của DN Việt cần khắc phục khi tham gia nhượng quyền?
Vì Việt Nam là thị trường nhượng quyền còn quá non xanh, do đó tồn tại 2 vấn đề có thể xem là huyệt tử trong nhượng quyền thành công. Thứ nhất là doanh nghiệp nhượng quyền chưa hiểu đúng và xây dựng nền tảng nhượng quyền đủ chuyên nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư tham gia nhượng quyền. Hai là cũng vì nhượng quyền còn quá mới nên rất nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết về ngành, không hiểu đúng và hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình, dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết trong hợp tác. Vì vậy, doanh nghiệp muốn và đang nhượng quyền cần phải thận trọng và làm tốt 3 điều khi nhượng quyền tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất là phải đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản, không nên làm đại làm càng, học lóm, làm sai tới đâu sửa tới đó. Hai là doanh nghiệp cần thận trọng trong việc lựa chọn đối tác phù hợp và không bao giờ vì khao khát mở rộng nhanh mà ký kết với bất kỳ ai đang có tiền và có ý định đầu tư.
Nhượng quyền không phải là kênh đầu tư dành cho tất cả mọi người. Muốn đầu tư nhượng quyền thành công phải là nhà đầu tư có hiểu biết về ngành. Ba là doanh nghiệp cần tự phát triển và mở rộng thị trường Việt Nam song song với nhượng quyền, không nên chỉ xem nhượng quyền là kênh phát triển duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù có hay không phát triển nhượng quyền tại Việt Nam thì doanh nghiệp cũng nên đưa nhượng quyền vào chiến lược phát triển và mở rông thị trường quốc tế. Nhượng quyền là một trong những hình thức phát triển thương hiệu mang đến thành công tốt nhất cho doanh nghiệp Việt.
4. Riêng với nhóm F&B, thương hiệu trà sữa giá rẻ Mixue nhờ nhượng quyền mà phát triển thần tốc, phủ sóng. Bà có nhận định gì về vai trò nhượng quyền trong công cuộc làm thương hiệu, mở rộng quy mô?
Ai nắm được bí quyết phát triển quốc tế thần tốc bằng nhượng quyền thì doanh nghiệp đó nhanh chóng trở thành thương hiệu quốc tế một cách tối ưu nhất. Đây cũng là câu chuyện tuyệt vời cho các doanh nghiệp có mong muốn niêm yết với giá trị cao như Mixue. Mặc dù Mixue đã tạo ra không ít drama tại thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nhượng quyền đã gíup một thương hiệu nội địa Trung quốc chiếm lĩnh thị trường trà sữa Việt Nam. Đó chẳng phải là bài học về việc ứng dụng nhượng quyền để phát triển quốc tế thành công đó sao? Nếu chúng ta nhìn lại các thương hiệu quốc tế đang phủ sóng ngành F&B tại Việt Nam, từ các thương hiệu đình đám như McDonald’s, KFC, Starbucks hay Domino’s, đến một loạt các thương hiệu ẩm thực Hàn quốc, Nhật, Trung quốc đến Thái lan, Đài loan, vv, họ đều đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua hình thức nhượng quyền. Câu trả lời đã quá rõ ràng. Nhượng quyền là cách không chỉ có tập đoàn lớn mà rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc tế sử dụng để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Ẩm thực là thế. Các ngành bán lẻ, giáo dục, dịch vụ, tài chính đều như thế. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần học nhanh bài học này từ nhượng quyền quốc tế để có thể phát triển và quốc tế hoá thương hiệu Việt một cách chuyên nghiệp và thành công hơn.
5. Dù biết lợi ích của nhượng quyền, nhưng rất nhiều công ty vẫn thất bại trong việc nhượng quyền. Có những nguyên nhân chính nào, thưa bà?
3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam bao gồm: mô hình tài chính không hiệu quả, lựa chọn đối tác chưa phù hợp và nền tảng hỗ trợ thiếu chuyên nghiệp. Một thương hiệu có lịch sử hoạt động bao lâu trên thị trường không quan trọng. Điều kiện cần và đủ để có thể nhượng quyền là mô hình đã chứng minh mang lại hiệu quả tài chính cho doanh nghệp nhượng quyền và sẽ mang lại hiệu quả tài chính cho đối tác nhận quyền. Nếu chưa trả lời được câu hỏi mô hình tài chính cho đối tác nhận quyền có hiệu quả hay không thì doanh nghiệp không bao giờ nên bắt đầu nhượng quyền. Doanh nghiệp cần lưu ý là rủi ro ngoài ý muốn từ sự chuyển biến của thị trường cũng có khả năng làm cho một mô hình trước đây hiệu quả nhưng hiện tại không còn hiệu quả. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần cập nhật và thay đổi mô hình liên tục để giữ cho mô hình nhượng quyền của mình luôn hiệu quả.
Tại Việt Nam, vì thị trường nhượng quyền còn quá mới, cả doanh nghiệp nhượng quyền và nhà đầu tư nhượng quyền thường rơi vào trạng thái chốt deal quá nhanh quá nguy hiểm, thiếu thời gian tìm hiểu và làm DD cùng nhau, dẫn đến việc ký kết nhanh, triển khai liền và cũng không bao lâu cảm thấy chúng ta không thuộc về nhau. Mâu thuẫn vì vậy nhanh chóng bị drama hoá một cách không cần thiết, dẫn đến việc thiếu hợp tác tích cực để phát triển thay vì chỉ trích nhau. Đó cũng là nguyên nhân thất bại thuộc loại hàng đầu trong ngành nhượng quyền. Thường thì tại bất kỳ thị trường nhượng quyền còn rất mới nào trên thế giới tình trạng này cũng đều phổ biến. Sau khi thị trường trưởng thành hơn và các thương hiệu đã đủ trải nghiệm thì nguyên nhân này sẽ ngày càng giảm đi.
Cuối cùng, có một điều mà doanh nghiệp Việt còn rất kém, đó là ý thức đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản. Nhượng quyền rất dễ nhưng rất khó. Doanh nghiệp không nên đọc vài bài trên mạng hoặc học lóm qua vài câu chuyện rồi tự mình triển khai nhượng quyền. Nhượng quyền đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, và đây cũng là huyệt tử của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân doanh nghiệp mình quản trị chưa chuyên nghiệp, nếu còn nhượng quyền nữa thì chúng ta đang chuyển giao sự thiếu chuyên nghiệp của mình về quản trị vận hành, tài chính, marketing, chuỗi cung ứng, vv cho đối tác. Khi doanh nghiệp quản trị kém mà mở rộng nhanh thì đương nhiên hệ thống sẽ ngày càng yếu đi, rủi ro cao và khả năng thất bại vì vậy cũng tăng lên.
6. Trở lại với Mixue, nhượng quyền đồng thời giúp một thương hiệu Trung Quốc đi quá nhanh và "lấn át" thương hiệu nội địa như Toco Toco, bà đánh giá sao về vấn đề này?
Đây là chuyện đương nhiên của kinh tế tri thức. Ai học được cách và vận dụng được mô hình phát triển quốc tế hiệu quả thì người đó thắng. Thay vì trách cứ tại sao họ lấn át và chiếm lĩnh thị trường của mình thì doanh nghiệp Việt nên học cách học nhanh hơn, ứng dụng bài bản hơn và lớn nhanh hơn để có thể chiếm lại thị trường nội địa cũng như cạnh tranh được với thương hiệu của họ tại thị trường quốc tế. Đương nhiên, vì lợi ích đóng góp của ngành nhượng quyền vào kinh tế quốc gia nên rất nhiều chính phủ đưa nhượng quyền vào chiến lược phát triển kinh tế và vì vậy có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhượng quyền rất thiết thực như Singapore, Malaysia, Hàn quốc, Đài loan, Trung quốc, vv. Tại Việt Nam, nhượng quyền là ngành chưa được chính phủ quan tâm và hầu như không có bất kỳ hỗ trợ nào cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt vì vậy cần phải tự lực cánh sinh, tự tìm đến hệ sinh thái, cộng đồng doanh nghiệp nhượng quyền, chuyên gia nhượng quyền để có thể liên kết và hợp tác.
7. Có những rủi ro nào khi nhượng quyền và nhân rộng mô hình quá nhanh không?
Rủi ro chính khi nhượng quyền quá nhanh tại thị trường nội địa là rủi ro sập hệ thống và phá sản thương hiệu. Khi bạn không hoặc chưa xây dựng nền tảng hỗ trợ nhượng quyền vững vàng và chuyên nghiệp mà đã tập trung vào việc bán nhượng quyền. Rất nhiều doanh nghiệp Việt chưa hiểu đúng và đủ về nhượng quyền, chưa đầu tư xây dựng nền tảng chuyên nghiệp nhưng xem nhượng quyền như kênh doanh thu chính. Khi chỉ tập trung vào việc bán để có doanh thu nhưng lại không có hệ thống hỗ trợ đủ mạnh và chuyên nghiệp, phát triển càng nhanh thương hiệu càng dễ thất bại. Đây là rủi ro lớn nhất và dẫn đến thất bại nhiều nhất tại thị trường Việt Nam.
Ví dụ cụ thể các thương hiệu Việt gặp rủi ro này như chuỗi thời trang FOCI ra đời năm 1999, vào những năm 2007 đã nhượng quyền và phát triển đến 60 chi nhánh nhưng đến khoảng năm 2016 thì đóng cửa toàn bộ hệ thống. Chuỗi trà sữa Hoa Hướng Dương khởi đầu từ 2006 và nhượng quyền nhanh chóng đến 40 cửa hàng nhưng đến nay hầu như biến mất. Chuỗi cà phê Urban Station ra đời năm 2011 cũng cũng rơi vào khủng hoảng. Thời hoàng kim của thương hiệu này đã phát triển đến 60 chi nhánh nhưng đến nay thì hoàn toàn biến mất và website đã ngừng hoạt động.
Về rủi ro khi nhượng quyền quốc tế, rủi ro chính nằm ở khả năng và kinh nghiệm phát triển thị trường thế giới. Để nhượng quyền quốc tế thành công, doanh nghiệp cần 3 điều kiện chính là khả năng và kinh nghiệm điều chỉnh mô hình cho phù hợp với thị trường địa phương, khả năng đồng hành xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường, và cuối cùng là tính chuyên nghiệp trong việc huấn luyện, theo dõi và quản trị đối tác quốc tế. Cả 3 điều kiện này đều là nút thắt cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp và thương hiệu Việt. Hầu hết các doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm làm việc tại thị trường quốc tế. Cả nhà sáng lập và đội ngũ hầu như đều thiếu khả năng ngôn ngữ, khả năng quản trị chuyên nghiệp và hoàn toàn không có kinh nghiệm phát triển thị trường khác ngoài Việt Nam. Đây đã, đang và sẽ là những khó khăn lớn nhất cho bất kỳ doanh nghiệp Việt nào mong muốn nhượng quyền quốc tế.
Cho đến nay, các thương hiệu Việt được cho là đã có những bước đầu tiên nhượng quyền quốc tế như Phở 24, Trung Nguyên, Highlands, Cộng cà phê, vv đều vẫn còn hạn chế về mức độ và tốc độ phát triển. Tuy nhiên, một số thương hiệu trẻ của Việt Nam cũng đã có nhữn động thái phát triển quốc tế tiếp theo như trà sữa Phúc Tea, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé Care With Love, Phở’S, vv. Hành trình chỉ vừa mới mở ra. Hy vọng là sau 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhiều tấm gương thương hiệu nhượng quyền quốc tế thành công hơn. Để làm được điều này, doanh nghiệp Việt cần lưu ý những điều kiện trên đây và nên đầu tư nguồn lực để chuẩn bị bài bản hơn trước khi bước chân ra thế giới.
Comments