(TBKTSG) - Cho đến nay, có thể nói mô hình tài chính vi mô (micro-finance) là một trong những mô hình phổ biến nhất tại các nước đang phát triển, với mục tiêu dung nạp hơn 3 tỉ người dân trong phân khúc đáy kim tự tháp (bottom of the pyramid) vào chuỗi cung ứng, vào hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu.
Nhờ công cụ giảm nghèo hiệu quả này, những người dân đang sinh sống với khoản tiền dưới 2 đô la Mỹ/ngày được tiếp cận nguồn vốn để bắt đầu một công việc kinh doanh cho bản thân. Tuy nhiên, việc cấp vốn không đảm bảo kinh doanh thành công và bền vững. Những tiểu thương trong phân khúc đáy kim tự tháp này cần nhất là sự hướng dẫn. Họ cần một mô hình đơn giản, dễ triển khai để bắt chước làm theo. Trong bối cảnh đó, nhượng quyền vi mô trở thành mô hình thực tế, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp vi mô, qua đó, đóng góp quan trọng vào việc phát triển khối kinh tế tư nhân của một quốc gia đang phát triển.
Quan trọng và tâm đắc hơn, nhượng quyền vi mô có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào, từ vì lợi nhuận đến phi lợi nhuận, từ lớn đến nhỏ và vừa. Ngoài hiệu quả kinh tế, đây là mô hình tạo ra công ăn việc làm, cơ hội vươn lên cho tầng lớp thu nhập thấp, do đó mang tính xã hội cao.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin chia sẻ ba bài học ứng dụng của mô hình nhượng quyền vi mô dành cho: công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và doanh nghiệp xã hội. Ví dụ từ công ty lớn
Unilever, một tập đoàn quốc tế đã ứng dụng mô hình nhượng quyền vi mô tại Ấn Độ qua dự án Shakti. Phụ nữ Ấn Độ tại các khu vực nông thôn, khi tham gia nhận quyền trong dự án này, được huấn luyện để có thể hướng dẫn và cung cấp sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân và gia đình cho các hộ gia đình tại làng, xã mà họ đang sinh sống.
Khi tham gia nhận quyền, những phụ nữ này được huấn luyện kỹ năng kinh doanh, kiến thức sản phẩm, và trở thành nhà phân phối sản phẩm trong một khu vực địa lý quy định, thường là từ 3-5 làng, tùy theo mật độ dân số địa phương. Họ đều cần một số vốn ban đầu, có khi là vốn tự có, hoặc vay mượn gia đình, vay mượn ngân hàng, để mua và trữ một lượng hàng hóa nhất định từ một kho cung cấp ở địa phương.
Sau khi được huấn luyện, họ có thể triển khai bán hàng qua ba kênh: bán cho các cửa hàng nhỏ trong làng, bán trực tiếp cho các hộ gia đình trong làng, bán cho các cửa hàng nhỏ tại những làng lân cận.
Vốn đầu tư ban đầu để trữ hàng là 220 đô la Mỹ. Doanh thu trung bình tháng là 225 đô la. Lợi nhuận ròng trung bình là 10%, trong đó 7% cho người nhận quyền và 3% để trả lãi vay nếu có. Mô hình này không tính phí nhượng quyền mà chỉ tính tỷ lệ lợi nhuận trên sản phẩm bán ra.
Nhượng quyền vi mô trở thành mô hình thực tế, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp vi mô, qua đó, đóng góp quan trọng vào việc phát triển khối kinh tế tư nhân của một quốc gia đang phát triển.
Sau một năm triển khai, dự án này đóng góp 15% giá trị kinh doanh và 40% giá trị tăng trưởng kinh doanh tại nông thôn cho Unilever Ấn Độ. Việc kết hợp giáo dục vệ sinh và sức khỏe khi bán hàng mang lại giá trị xã hội đáng kể tại một quốc gia có số lượng trẻ em tử vong hàng năm do thiếu hiểu biết về vệ sinh lên đến 500.000. Ngoài nỗ lực của Công ty Unilever, dự án còn được sự hỗ trợ của một số tổ chức phi lợi nhuận trong việc triển khai các nhóm phụ nữ tự quản, tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ cho vay vốn đầu tư ban đầu, và chính quyền địa phương trong quy trình tuyển chọn đối tác nhận quyền.
Ví dụ từ doanh nghiệp nhỏ và vừa Honey Care Africa (HCA - công ty mật ong châu Phi) ở Kenya sản xuất và phân phối sản phẩm mật ong cao cấp. Đối tác nhận quyền được tham gia trở thành hộ nuôi ong của thương hiệu này, được cung cấp sẵn những tổ ong có sản lượng mật cao, được cung cấp toàn bộ máy móc, được huấn luyện cách chăm sóc và thu hoạch mật ong, và được doanh nghiệp nhượng quyền đảm bảo mua lại 100% sản lượng mật ong thu hoạch.
Đây là dự án có sự kết hợp giữa HCA và một tổ chức phi lợi nhuận. Vốn đầu tư ban đầu cho 4 tổ ong và trang thiết bị là 160 đô la Mỹ, trong đó hộ nhận quyền tự đóng góp 25% và tổ chức phi chính phủ cho vay 75%. Nhờ mô hình nhượng quyền vi mô này, những hộ nông dân Kenya tham gia chương trình đã tạo ra thu nhập gấp đôi so với thu nhập trung bình hàng năm trước đó.
Và doanh nghiệp xã hội Do lợi ích xã hội cao, mô hình nhượng quyền vi mô được rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội quan tâm. Kickstart, một doanh nghiệp xã hội tại châu Phi, với sứ mệnh tạo công ăn việc làm và hỗ trợ xúc tiến phát triển kinh tế bền vững, đã sáng tạo và cung cấp thiết bị sản xuất sử dụng công nghệ mới các doanh nghiệp vi mô. Doanh nghiệp này tạo ra và cung cấp ba dòng sản phẩm bao gồm: - Máy ép khối: thiết bị ép và tạo khối vật liệu xây nhà làm từ bất kỳ loại đất nào, trộn với một tỷ lệ nhỏ xi măng. Nhờ tự làm và cung cấp tại chỗ, tiết kiệm chi phí chuyên chở, giá thành sản phẩm rẻ hơn đến 50% so với giá thị trường. - Máy ép dầu ăn: máy cho phép ép dầu ăn từ hạt hướng dương, hạt mè và bất kỳ loại hạt nào khác bằng công nghệ ép lạnh. Sản phẩm sau khi ép có thể sử dụng được ngay. Bã sau khi ép do có độ đạm cao có thể bán làm nguyên liệu thức ăn gia súc. - Thiết bị bơm nước sử dụng cho các khu nông nghiệp cần tưới tiêu với diện tích nhỏ, qua đó tăng năng suất lên đến 11 lần. Thiết bị rẻ tiền và dễ sử dụng.
Kickstart vận động được sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân phân phối và bán lẻ. Doanh nghiệp xã hội này nhượng quyền khâu sản xuất và mua lại toàn bộ sản phẩm của bên nhận quyền, bán sản phẩm nhờ vào chuỗi phân phối và bán lẻ đã đồng ý tham gia vào hệ thống. Nhờ chương trình này, nhiều phụ nữ châu Phi đã tìm được việc làm và thu nhập hàng năm tăng thêm gần 1.100 đô la Mỹ so với trước đó.
Dù là mô hình áp dụng cho công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội hay tổ chức phi lợi nhuận, mô hình nhượng quyền vi mô cũng có nhiều đòi hỏi như mô hình nhượng quyền truyền thống. Trước hết, mô hình phải hiệu quả và được thử nghiệm thành công, tạo ra lợi nhuận, và dễ áp dụng. Riêng đối với mô hình nhượng quyền vi mô, đòi hỏi về tính linh hoạt cao hơn rất nhiều do điều kiện áp dụng tại từng địa phương có thể khác nhau theo điều kiện sống và xã hội khác nhau. Điều này đòi hỏi bên nhượng quyền phải có kiến thức rất sâu rộng về nhu cầu, thói quen tiêu dùng, và hoàn cảnh xã hội của tầng lớp đáy kim tự tháp.
Ngoài ra, để mô hình vi mô phát triển thành công và bền vững, nhất thiết phải có sự đồng hành giữa doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, và một phần nào đó hỗ trợ của chính phủ. Xét cho cùng, đây là mô hình mang lại lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội rất lớn, tạo công ăn việc làm và xúc tiến phát triển kinh tế của một quốc gia.
Nguyễn Phi Vân (Bài đã đăng trên TBKTSG 26/06/2016)
Comments